Bao nhiêu bạn sẽ có con số chắc chắn cho câu hỏi “Việt Nam có bao nhiêu di sản văn hóa thế giới” nhỉ? Nếu bạn vẫn chưa thể có câu trả lời chính xác, cùng chúng tôi liệt kê qua bài viết này nhé!
Di sản văn hóa thế giới là gì?
Khái niệm về Di sản văn hóa thế giới đã được quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 109/2017/NĐ – CP, trong đó nói rõ “Di sản văn hóa thế giới là di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Việt Nam có giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản thế giới.”
Cụ thể hơn về phần giá trị nổi bật toàn cầu cần đạt được các tiêu chí:
- Di sản phải có ý nghĩa về văn hóa và giá trị thiên nhiên đặc biệt cần được lưu giữ
- Có tầm ảnh hưởng quan trọng đến con người hiện tại và các thế hệ tương lai, không chỉ ở quy mô quốc gia mà còn ở tầm quốc tế
Đáp ứng được 2 tiêu chí kể trên thì sẽ được xem xét để công nhận di sản văn hóa thế giới.
Còn về phần phân loại, di sản văn hóa thế giới được chia làm 3 nhóm chính:
- Di tích kiến trúc: là những công trình xây dựng, điêu khắc, hội họa… hay địa danh khảo cổ học, hang động, địa điểm cư trú mà dựa vào góc độ lịch sử, nghệ thuật, khoa học là có giá trị toàn cầu
- Công trình xây dựng: Các sản phẩm xây dựng nhân tạo mà đặt trong hoàn cảnh, môi trường, xét từ tính chất, ý nghĩa, vị thế của tác phẩm, kết hợp cùng lịch sử, nghệ thuật mang đến giá trị toàn cầu
- Các di chỉ: có nguồn gốc nhân tạo hoặc kết hợp cùng tự nhiên, đánh giá bằng các tiêu chí vẻ đẹp, tính thẩm mỹ cao, hay giá trị gắn liền với dân tộc, nhân học là nổi tiếng toàn cầu
Việt Nam có bao nhiêu di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận?
Tính đến hết năm 2020, Việt Nam đã vinh dự được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc công nhận danh sách gồm 5 di sản văn hóa thế giới. Con số khá là ít ỏi so với các công trình kiến trúc hay địa danh nổi tiếng thế giới của nước ta. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang nỗ lực hoàn thiện hồ sơ, chỉnh sửa lại khu vực đề cử theo hướng dẫn của IUCN (Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế – cơ quan tham vấn của UNESCO) để đưa thêm nhiều ứng cử cho việc công nhận di sản thế giới.
Quần thể di tích cố đô Huế
Đây là nơi được công nhận Di sản văn hóa thế giới đầu tiên của Việt Nam vào năm 1993. Nằm tại tỉnh Thừa Thiên Huế, cố đô Huế đã từng là kinh đô của các vua chúa triều Nguyễn trong vòng gần 400 năm. Đóng vai trò quan trọng trong chính trị, ngày nay, ở Huế còn lưu giữ các công trình lăng tẩm, điện đài, lầu son đậm chất văn hóa Việt. Nhắc đến Huế là chúng ta nhớ đến Nghinh Lương Đình, Phu Văn Lâu, điện Thái Hòa, cung Khôn Thái, lăng Gia Long – Tự Đức – Minh Mạng, … một loạt các kiến trúc cổ nằm ngay trong khu vực Kinh thành Huế, nơi mà bạn muốn thăm thú, khám phá và tìm hiểu chắc cũng phải mất vài ngày.
Huế còn có dòng Hương thơ mộng, chảy quanh kinh thành, cấm cung và nội thành, đem đến một cảnh sắc non nước hữu tình, ai đi đến mà không vấn vương, thương nhớ. Và trên tất thảy, Quần thể di tích cố đô Huế đã trở thành một biểu trưng cho một phần nền văn hóa Việt, để lại những chứng tích lịch sử cho đời sau giữ gìn và trân trọng.
Đô thị cổ Hội An
Tiếp bước Huế, vào năm 1999, Hội An đã có vinh dự góp thêm một di sản văn hóa thế giới cho Việt Nam – đó là Đô thị cổ Hội An. Nơi này đã được hình thành trong khoảng thế kỉ 15-16, đạt phát triển cực thịnh vào thế kỷ 17-18, gắn liền với câu ca dao “Đà Nẵng tàu lớn vào ra/Hội An phố xá đông người bán buôn”. Điều đó chứng tỏ Hội An đã trở thành một trung tâm thương mại lớn trong quá khứ, đón tiếp hàng trăm đoàn tàu lớn nhỏ ra vào thương cảng mỗi ngày cùng như là nơi diễn ra rất nhiều phi vụ làm ăn lớn nhỏ. Có lẽ cũng vì vậy mà mỗi căn nhà, mỗi đường phố nơi đây đều là kết hợp giữa lối kiến trúc địa phương và nước ngoài, tạo nên những điểm nhấn rất thú vị.
Ngày nay, Hội An chuyển mình từ thương mại sang du lịch, nhưng rất may mắn phong cách xây dựng ở đây được bảo tồn nguyên vẹn. Nên bạn có thể tìm được các góc nhỏ vô cùng độc đáo như chùa Cầu, hội quán Triều Châu, nhà cổ Phùng Hưng, chợ Hội An… đều là sự phối hợp hài hòa giữa nền văn hóa châu Á của người Nhật – người Hoa – người Việt với một chút hơi hướng Tây Âu. Tất cả đều lưu dấu ấn của một thời hoa lệ, phồn vinh, một nơi hội tụ tinh hoa văn hóa giữa Âu – Á, Đông – Tây.
Thánh địa Mỹ Sơn
Quảng Nam lại tiếp tục vang danh trong bảng vàng di sản văn hóa thế giới khi có thêm Thánh địa Mỹ Sơn được công nhận cũng vào năm 1999. Nằm giữa một thung lũng, bao quanh là núi non trùng trùng điệp điệp, khi xưa nơi đây là khu vực tổ chức các nghi lễ thờ cúng cũng như lưu giữ lăng tẩm của các vị vua Chăm-pa từ thế kỷ từ 4. Quần thể này gồm hơn 70 ngôi đền tháp lớn nhỏ, trải qua thời gian dài mưa nắng cũng như tàn phá của chiến tranh, các công trình kiến trúc cũng bị hư hỏng ít nhiều, nhưng nhìn chung nét kiến trúc vẫn mang tính chất đặc trưng cho từng giai đoạn lịch sử của vương quốc Champa.
Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội
Bước sang năm 2010, trong khi đang nô nức kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội đã được UNESCO ghi danh vào Di sản văn hóa thế giới. Thăng Long xưa – Hà Nội nay – vùng đất rồng tựa, hổ ngồi đã được lựa chọn là kinh đô của đất nước vào năm 1010 khi Lý Thái Tổ lên ngôi. Trải qua biết bao thăng trầm, bao đổi dời, Hà Nội ngày nay vẫn vững vàng ở vị trí thủ đô ngàn năm văn hiến – trung tâm đầu não của cả nước về mọi mặt chính trị – kinh tế – văn hóa – xã hội…
Những biến cố trôi qua, Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội vẫn còn được lưu giữ các dấu ấn thông qua các địa danh như: Cột cờ Hà Nội, Cửa Bắc, Điện Kính Thiên, Hệ thống tường bao và 8 cổng chính quanh hàng cung, Khu di tích khảo cổ tại 18 Hoàng Diệu… cùng các hiện vật như gốm sứ cổ, các mảnh vỡ của vật trang trí được lưu giữ tại các bảo tàng. Tất cả phản ánh lại những quá trình thay đổi, chuyển giao giữa các thời kỳ lịch sử, cũng như sự ngoại giao, hội nhập văn hóa quốc tế của toàn dân tộc.
Thành nhà Hồ
Tây Đô vang bóng một thời ngày xưa, Thành nhà Hồ thuộc tỉnh Thanh Hóa đã lọt danh sách Di sản văn hóa thế giới vào năm 2011. Đây là kinh đô của nhà Hồ, được Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397, với những con số ấn tượng như tổng khối đá xây thành là khoảng 20.000m3, và 100.000m3 khối đất. Thời bấy giờ, thành nhà Hồ nổi bật như một khối kiến trúc dành riêng cho vua chúa, tiếp thu ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo, kết hợp cùng nền văn hóa Đông Nam Á, Đông Á (khoảng thế kỷ 14-15), dần trở thành hình mẫu cho toàn khu vực học tập về kỹ thuật xây dựng cũng như hình dáng, mẫu mã. Kỹ thuật xây dựng với các khối đá lớn, lắp ghép thủ công bằng sức người, mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ cao, đã trở thành một bí ẩn trong làng kiến trúc cho đến tận bây giờ.
Danh sách đã đầy đủ, bạn đã biết cách trả lời “Việt Nam có bao nhiêu di sản văn hóa thế giới” rồi chứ? Đừng quên những kiến thức vô cùng bổ ích này nha.